Món giò ..
Trong mâm cơm của mỗi gia đình những ngày tết đến có một món ăn không thể thiếu được đó chính là món giò. Theo truyền thống, ở miền Bắc Việt Nam thường bày một đĩa giò lụa, còn ở miền Trung từ Nghệ An trở vào thì lại được trưng một đĩa giò me (hay còn gọi là giò bê). Mỗi một món ăn thì đều có đặc trưng riêng, vậy tết này bạn sẽ chọn cho mâm cơm của nhà mình giò me hay giò lụa?
Sự khác nhau về cách chế biến món ăn:
Giò lụa hay chả lụa là tên một món ăn được làm từ nguyên liệu chủ yếu là thịt lợn, rất phổ biến trong văn hóa ẩm thực của miền Bắc Việt Nam. Cách chế biến của giò lụa cũng khá cầu kì. Đầu tiên để làm ra được một món ăn ngon thì khâu lựa chọn nguyên liệu là hết sức quan trọng. Giò lụa được làm từ thịt lợn, vì vậy loại thịt được chọn phải là loại thịt than nạc, không mỡ, không gân xơ. Sau khi đã chọn xong thịt, người thợ sẽ rửa sạch và cho vào cối giã nhuyễn cùng với nước mắm ngon, hạt tiêu và một chút đường. Giò sống giã xong sẽ được gói trong lá chuối và đem đi luộc. Giò lụa thành phẩm phải có màu trắng mịn, thơm mùi của thịt lợn; khi ăn không có bã hay có xơ.
Khác với giò lụa, giò me xứ Nghệ lại có một phướng thức chế biến hoàn toàn khác với nguyên liệu phong phú hơn và cách làm cũng cầu kì hơn. Loại thịt được lựa chọn làm giò me phải là thịt me tươi non, tốt nhất là me được chăn thả tự nhiên tại vùng núi rừng Nam Nghĩa (Nghệ An), thịt me phải chắc và mềm mịn, không được dai quá cũng không được nát quá. Sau khi lựa chọn và sơ chế qua thịt me, người thợ sẽ ướp thịt me với các loại gia vị như thảo quả, hạt tiêu, hạt nêm,… để làm tăng hương vị cho món ăn. Một cuốn giò me hoàn chỉnh phải được tạo nên bởi 3 lớp. Lớp ngoài cùng là trứng tráng lát mỏng, lớp thứ hai là bì me xay nhuyễn và lớp cuối cùng là thịt me đã được ướp gia vị. Tất cả được gói trong lá chuối tươi và đem hấp khoảng 5 – 6 giờ, sau đó được bỏ vào tủ lạnh để làm đông. Giò me đạt tiêu chuẩn phải có màu hồng đều từ trong ra ngoài, có mùi thơm đặc trưng của thịt me, hạt tiêu và nhất là không bị nát hoặc bị dai cứng.
Sự khác nhau về hương vị của hai món ăn:
Xem chi tiết tại đây
Thực khách khi thưởng thức giò lụa sẽ cảm nhận được mùi thơm của thịt lợn, sự mềm mịn của thịt sau khi được giã nhuyễn quyện với hương vị nước mắm cá thu thơm ngon đặc trưng. Tất cả tạo nên một món ăn thanh nhã mà theo Nguyễn Tuân nhận xét thì đó là một nét đẹp văn hóa, một đặc trưng mà chỉ riêng vùng đất Hà thành mới có.
Không giống như sự thanh nhã của giò lụa, giò me lại mang đến một hương vị có phần nồng ấm và gai góc hơn. Giò được giữ nguyên miếng thịt, vì vậy khi ăn thực khách sẽ nếm được toàn bộ hương vị của thịt me mềm mà không nát, chắc mà không dai, hòa quyện với vị cay cay của hạt tiêu, béo bùi của lớp bì xay và trứng. Tất cả tạo nên một bản âm hưởng ngọt ngào cho vị giác của người thưởng thức, khiến họ không sao quên được.
Nếu như giò lụa mang nét đặc trưng thanh nhã của miền Bắc thì giò me lại mang âm hưởng nồng ấm của xứ Nghệ đôn hậu nghĩa tình. Cả hai món ăn đều có những nét đặc trưng riêng nên cho dù bạn có chọn lựa món ăn nào cho mâm cỗ tết đi chăng nữa thì tôi cũng chắc chắn một điều rằng bữa cơm của bạn sẽ trở nên hấp dẫn và cuốn hút hơn. Bạn hãy thưởng thức cả hai món ăn này để cảm nhận được nét đẹp của văn hóa Việt Nam được ẩn trong đó nhé. Chúc các bạn ngon miệng!
0 nhận xét: